Bệnh thương hàn trên gà – Triệu chứng và cách điều trị 

Bệnh thương hàn ở gà là một trong các căn bệnh phổ biến thường gặp, xảy ra ở gà con và gà trưởng thành. Mặc dù bệnh thương hàn trên gà có nhiều loại thuốc đặc trị nhưng nếu không kịp thời phát hiện thì tỷ lệ chết sẽ khá cao. Hiểu được vấn đề đó, sau đây Chăn Nuôi Thú Y sẽ điểm qua một số nguyên nhân, triệu chứng, bệnh tích, cách điều trị cũng như cách phòng ngừa để việc chăn nuôi được thuận lợi, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho các chủ trang trại.

Bệnh thương hàn ở gà

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh thương hàn trên gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn mang tên Salmonella gallinarum pullorum gây nên. Vi khuẩn Salmonella gallinarum pullorum sống trong tự nhiên có sức đề kháng cao. Nếu ở trong phân, vi khuẩn có thể sống 3 tháng, nhưng ở nhiệt độ 55 độ C thì bị tiêu diệt sau 20 phút. 

Đây là căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi của gà, từ gà mới nở, gà vài tuần tuổi cho tới khi gà trưởng thành. Bệnh thương hàn trên gà có thể xảy ra ở thể cấp tính với gà con, mạn tính ở gà lớn, nếu không phát hiện kịp thời và chữa trị gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. 

Triệu chứng 

Có 2 cách lây lan bệnh thương hàn ở gà, đó là lây trực tiếp từ mẹ qua trứng khi trứng được thụ tinh đẻ con, hoặc qua con đường gián tiếp từ thức ăn hoặc nước uống. Căn bệnh thương hàn trên gà có thời gian ủ bệnh khoảng từ 3 tới 4 tháng, ở thể cấp tính tỷ lệ chết khá cao dao động ở mức từ 70-100%. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng lứa tuổi của gà mắc bệnh cũng như sức mạnh của vi khuẩn mà có các triệu chứng khác nhau như:

Triệu chứng ở gà con 

  • Cuối ngày 18, khi chuyển gà từ máy ấp sang máy nở, dấu hiệu nhận biết đầu tiên là gà mổ mỏ nhưng phôi chết nhiều. 
  • Trường hợp phôi không chết thì gà con có biểu hiện còi cọc, ốm yếu. 
  • Cuối ngày 21, gà con yếu ớt không đạp vỡ vỏ chui ra được nên chết.
  • Gà mắc bệnh tiêu chảy, phân có màu trắng, xuất hiện chất nhầy. 
  • Quan sát kỹ lưỡng phần hậu môn thấy phân dính, đóng cục. 
Xem thêm:  Gà bị sưng phù đầu (bệnh Coryza) - Nguyên nhân và cách điều trị

Triệu chứng bênh thương hàn ở gà con

Gà con khi mắc bệnh tỷ lệ chết thường ở hai thời kỳ như sau:

  • Ngày thứ 5-7 gà con chết do nở từ trứng bị nhiễm bệnh.
  • Cuối ngày 13-15 gà con chết do bị nhiễm từ máy ấp. 

Triệu chứng ở gà con

Triệu chứng bệnh thương hàn trên gà trưởng thành 

Còn với gà trưởng thành triệu chứng nhiễm bệnh thương hàn có khác gì so với gà con hay không. Đó là: 

  • Thường hay mắc ở thể ẩn tính. 
  • Biểu hiện phân loãng có màu xanh, gà khát nước, mào nhợt nhạt. 
  • Bụng gà mái bị trễ xuống, do tích nước do buồng trứng bị viêm nhiễm và viêm phúc mạc. 
  • Gà sụt cân, ốm yếu và sức ăn giảm. 
  • Đối với gà mái thì tỷ lệ đẻ giảm, vỏ trứng xù xì, ở vỏ hay trong lòng đỏ có dính máu.

Triệu chứng ở gà đẻ

Bệnh tích 

Sau đây là một hoặc một số biểu hiện về rối loạn chức năng của căn bệnh thương hàn trên gà để người chăn nuôi có thể dễ dàng phát hiện. 

Gà con 

  • Gan, lách sưng to, có nhiều hoại tử lấm tấm màu trắng.
  • Bên cạnh đó, phổi, tim, thành dạ dày, cơ màng bụng cũng có nhiều điểm hoại tử có màu trắng xám nhạt.
  • Màng ngoài tim dày đục, chứa nhiều dịch rỉ vàng. 
  • Trên niêm mạc ruột có các mảng trắng.
  • Lách sưng to, thận sung huyết đỏ.
  • Dạ dày bị cô đọng có màu vàng. 

Gà lớn 

  • Da bị sậm màu do bại huyết.
  • Gan sưng to có hoại tử xuất hiện màu trắng xám và vàng nhạt. 
  • Túi mật to, ruột viêm đỏ và loét rộng. 
  • Viêm phúc mạc, viêm cơ tim, dịch hoàn xuất hiện nốt hoại tử, có nguy cơ bị teo. 

Bệnh tích ở gà lớn

Gà mái đẻ trứng 

  • Buồng trứng viêm, ống dẫn trứng và nang trứng bị biến dạng. 

bệnh tích ở gà đẻ

Cách điều trị 

Khi phát hiện gà mắc bệnh thương hàn, để khắc phục cũng như giảm tổn thất kinh tế, người chăn nuôi cần thực hiện theo các bước chỉ dẫn sau để điều trị bệnh thương hàn trên gà theo đúng liệu trình 3-5 ngày. 

Xem thêm:  Chó bị sưng yết hầu: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bước 1: Cách ly gà có biểu hiện bệnh để khử trùng tiêu diệt mầm bệnh

  • Để tránh lây lan bệnh cho cả đàn, người chăn nuôi cần cách ly những con gà có biểu hiện mắc bệnh, ốm yếu. 
  • Vi khuẩn thương hàn sống trong cơ thể gà rất dai, nên khi phát hiện cần phải phun thuốc khử trùng chuồng trại tốt nhất trong khung giờ khoảng 13-15h mỗi ngày. 
  • Những con gà ở phần hậu môn dính phân cần gỡ ra hoặc cắt bớt lông ở khu vực đó.

Bước 2: Xử lý triệu chứng, bổ sung và bồi bổ sức khỏe cho gà trước khi chữa bệnh bằng kháng sinh 

  • Dùng Paracetamol để hạ sốt cho gà.
  • Bổ sung các chất điện giải và thuốc bổ tăng sức đề kháng cho gà bằng cách dùng vitamin C + Glucose + Vitamin K.
  • Dùng men tiêu hóa và thuốc giải độc gan thận hòa chung với nước để gà uống từ 10-15 ngày. 

Bước 3: Kìm hãm và tiêu diệt mầm bệnh thương hàn trên gà 

Sau khi bồi bổ sức khỏe cho gà, người chăn nuôi có thể dùng kháng sinh để điều trị căn bệnh thương hàn như sau: 

  • Sử dụng thuốc Actisentin TS 

Đây là dòng thuốc có thành phần chính là Trimethoprim và Sulfamethoxazole chống lại vi khuẩn gây nên bệnh thương hàn ở gà, có thể sử dụng theo liều lượng chỉ định như sau: Dùng 1ml/đối với thể trọng gà 2-4kg, sử dụng liên tục trong khoảng từ 3-5 ngày. 

  • Dùng thuốc Zicorin trị thương hàn ở gà hiệu quả 

Được sản xuất từ công ty SAN HEH nhập khẩu từ Đài Loan, thuốc Zicorin với thành phần chính là Sulfachloropyrazine, có công dụng chữa bệnh thương hàn trên gà hiệu quả. Người chăn nuôi có thể hòa thuốc với nước rồi cho gà uống hoặc trộn với thức ăn theo liều lượng của nhà sản xuất quy định trên bao bì. 

  • Sử dụng Sulfamix chữa bệnh thương hàn ở gà an toàn

Với thành phần chính là Sulfadimethyl, Pyrimidine, thuốc Sulfamix có tác dụng chữa bệnh thương hàn trên gà hiệu quả, được đánh giá cao về độ an toàn trong quá trình điều trị bệnh. Người chăn nuôi có thể pha thuốc với nước hoặc tiêm vào bắp theo liều lượng như sau: 3ml/ 1 lít nước uống hoặc 0,6ml/ thể trọng 1kg. 

Xem thêm:  Chó bị hạ bàn khuỳnh chân trước là bệnh gì?
Thuốc chữa thương hàn ở gà
Thuốc chữa thương hàn ở gà

Cách phòng bệnh 

Để ngăn ngừa, phòng chống bệnh thương hàn trên gà, yêu cầu các chủ trang trại cần thực hiện các biện pháp như sau:

  • Khâu ấp trứng để nở thành con rất quan trọng. Trường hợp trứng mua về ấp thì phải chọn lựa kỹ lưỡng từ những cơ sở cung cấp uy tín và chất lượng đảm bảo không có mầm bệnh. 
  • Gà mắc bệnh từ nhỏ nếu qua khỏi thì trong cơ thể luôn có mầm bệnh ở dưới dạng mãn tính. Cách tốt nhất nên cách ly tránh trường hợp lây lan sang các con gà khác. 
  • Chuồng trại cần phải vệ sinh cơ học hàng ngày như rửa dọn, không để phân tích tụ trong trại là một trong các cách phòng bệnh thương hàn trên gà hiệu quả. 
  • 1 tuần phun thuốc sát khuẩn từ 1-2 lần, tùy thuộc vào điều kiện chuồng trại. 
  • Chuồng trại cần đảm bảo không quá nóng, không quá lạnh, không quá ẩm, nước uống đầy đủ và sạch sẽ. 
  • Theo từng giai đoạn, từng giống mà có chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý. 
  • Tăng sức đề kháng cho gà bằng cách bổ sung các loại thuốc bổ, khoáng chất và vitamin…
  • Phòng bệnh chủ động cho gà bằng cách tiêm vắc xin và thuốc. 
  • Nên định kỳ xét nghiệm bệnh, chẩn đoán và sàng lọc những con gà có nguy cơ mắc bệnh bằng phương pháp PCR để từ đó có phương án cách ly và biện pháp phòng bệnh, điều trị hiệu quả.

Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh thương hàn trên gà mà Chăn Nuôi Thú Y muốn chia sẻ đến quý khách và người chăn nuôi để hiểu rõ hơn về căn bệnh thường gặp ở gia cầm này. Hy vọng với những kiến thức chia sẻ này giúp cho bà con hiểu sâu hơn trong việc kiểm soát mầm bệnh cũng như lên phương án điều trị khẩn cấp nếu phát hiện trang trại mắc bệnh để từ đó giảm hoặc tránh các thiệt hại về kinh tế đáng kể. 

vo-xuan-vinh

Trưởng phòng dự án và xây dựng chuồng trại chăn nuôi

Có hơn 6 năm kinh nghiệm trong ngành Chăn nuôi Thú Y