Cung – cầu thịt lợn: bao giờ mới cân bằng

Cung – cầu thịt lợn: bao giờ mới cân bằng

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Giá thịt lợn đã giảm nhiệt so với đỉnh điểm do nhiều nguyên nhân như đẩy mạnh tái đàn, người tiêu dùng chuyển sang sử dụngthịt gia cầm và nhập khẩu thịt lợn sống từ Thái Lan… Tuy nhiên, cung cầu thịt lợn khi nào cân bằng và cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán có xảy ra thiếu thịt hay không vẫn là câu hỏi khó giải đáp.

Đàn lợn của doanh nghiệp tăng nhanh

Theo Cục Chăn nuôi, đến cuối tháng 7/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn trước khi có Dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào vào 31/12/2018), tăng 11,6% so với 1/1/2020 và tăng 4,2% so với 1/4/2020.

Cung - cầu thịt lợn: bao giờ mới cân bằng
Cung – cầu thịt lợn: bao giờ mới cân bằng

Có được kết quả này là do việc tái đàn đã được đẩy mạnh do kích thích từ việc giá lợn cao, mỗi con nái như một “cỗ máy in tiền”. Theo đó, nhóm 1 có 12 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bìnhlà 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 12/2018). Đứng đầu là tỉnh Bình Phước đạt 164,7%, tiếp đến là Bình Định, Kon Tum, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Yên Bái, Hòa Bình, Tây Ninh, Sơn La, Lâm Đồng, Khánh Hòa.

Nhóm 2 tỷ lệ tái đàn 90 dưới 100% trung bình tái đàn là 94,3% so với 31/12/2018 , gồm 9 tỉnh: Bình Thuận, Gia Lai, Quảng Bình, Thanh Hóa, Phú Yên, Bình Dương, Đắk Lắk; Hà Giang; Cần Thơ…

Nhóm 3 với tỷ lệ tái đàn từ 70 dưới 90%, trung bình tái đàn là 81% so với 31/12/2018, gồm 20 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang.

Cùng với đó, chưa bao giờ việc tái đàn ở khu vực doanh nghiệp lại mạnh mẽ như vậy. Không chỉ các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y….có tiềm lực về tài chính, kỹ thuật; mà các đại gia ô tô, khoáng sản cũng liên tục săn lùng những vùng đất mới ở vùng xa xôi, hẻo lánh để lập dự án xây dựng trại heo. Các doanh nghiệp cũng đang ráo riết chiêu mộ nhân tài trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y để vận hành “cỗ máy sản xuất thịt heo”….

Xem thêm:  TOP 5 loại máy ấp trứng 100 trứng phổ biến hiện nay

Theo báo cáo của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, đàn lợn thịt đến tháng 7/2020 đạt trên 4,88 triệu con (Chiếm trên 22%) tổng đàn lợn thịt toàn quốc, tăng so với 1/1/2019 (trước khi xảy ra ASF) là 52,8%, tăng so với 1/1/2020 là 46,8%. Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến hết Quý III đạt 5,17 triệu con và Quý IV đạt 5,36 triệu con (tăng 68% so với 1/1/2020).

Đàn lợn nái toàn quốc, đến tháng 7/2020 theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn nái của cả nước đạt trên 2,93 triệu con, tăng 7,7% so với 01/01/2020, đạt 99, 8% so với kế hoạch của Quý II (trong đó có 115 nghìn con cụ kỵ và ông bà). Cùng với đàn nái thì kế hoạch đến tháng 7/2020 có trên 56 000 con lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái. Mặc dù đàn nái như vậy nhưng từ cuối tháng 10/2019 các cơ sở mới bắt đầu phối giống sau đó mới tái đàn, nên cuối quý III và đầu quý IV mới cơ bản đủ con giống cho sản xuất.

Trong điều kiện hiện tại khó khăn về giống thì các cơ sở chăn nuôi đã tăng tỷ lệ chọn lợn giống, thay vì trước đây chọn được 5 con/nái sinh sản cụ kỵ, ông bà vào phối giống thì vừa qua và hiện nay chọn được 6 con lợn cái vào để phối thay thế.

Vẫn bộn bề khó khăn khi tái đàn

Giá lợn hơi ở mức cao là yếu tố quan trọng cho việc tái đàn nhưng cũng bộn bề khó khăn. Cụ thể bệnh Dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm khi chưa có vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát.

Một số địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch hệ lụy cho địa phương. Hoặc một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại cho người dân, nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất. Mặt khác người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi và chính sách về đất đai để tái đàn, duy trì sản xuất, tăng đàn.

Vừa qua các doanh nghiệp lớn sảnxuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, giá lợn giống hiện nay rất cao, từ 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con.

Xem thêm:  Mua vỉ trứng giấy ở đâu giá rẻ uy tín chất lượng?

Theo PGS TS Đỗ Tiến Duy – Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, khoảng thời gian dài là liều thuốc thực sự cần thiết cho việc thực thi thành công rất nhiều giải pháp đặt ra nhằm tái thiết phục hồi lại sản xuất thịt lợn ở Việt Nam.

Thêm vào đó, rất nhiều những nghiên cứu cần được thực hiện để làm sáng tỏ các vấn đề như mô hình chăn nuôi nào an toàn để bảo vệ đàn lợn giống, các quy trình kiểm định heo giống sạch bệnh cho việc tái đàn, mô hình tái đàn nào là hiệu quả, chiến lược thực hiện an toàn sinh học trong hệ sinh thái phức tạp có khả thi không, làm sao kiểm dịch chặt chẽ chuỗi cung cấp thịt lợn sạch bệnh, làm sao đảm bảo virus ASF bị vô hoạt ở môi trường bên ngoài đặc biệt như nước, đất và thức ăn vấy nhiễm, làm sao ngăn chặn được virus ASF không xâm nhiễm vào đàn heo, làm sao sống sót trong vùng dịch bệnh, thiết lập vùng an toàn dịch để duy trì sản xuất thịt heo, vai trò mang mầm bệnh trong quần thể lợn rừng….mặc dù vậy, nghiên cứu chế tạo vaccine và chất chống virus là chiến lược chủ động hơn và kỳ vọng cho việc phòng bệnh hiện nay.

Cung cầu khi nào mới cân bằng?

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, do các tháng 5-9/2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối hoặc hạn chế phối giống nên ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020. Từ tháng 10/2019, các cơ sở chăn nuôi lớn cho phối giống và tăng đàn lợn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019 và đầu năm 2020 mới tái đàn, như vậy kiến nghị đến cuối quý III, đầu quý IV mới đảm bảo cơ bản nhu cầu thịt lợn.

Còn một báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos vừa công bố mới đây có nhận định do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, dự kiến đến tháng 10 năm nay, Việt Nam vẫn thiếu 1 triệu con lợn. Bước sang năm 2021, khoảng cách cung cầu dần thu hẹp nhưng tình hình vẫn khó. Dự báo đến tháng 4, lượng lợn thiếu hụt vẫn ở mức 720.000 con và tháng 10-2021 là 200.000 con.

Xem thêm:  Thông báo cải tiến mẫu mã máng ăn chia ô gia cầm

Ông Quách Phong, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Ipsos, giải thích khái niệm “thiếu thịt lợn” là căn cứ vào lượng tiêu thụ thịt lợn. Cụ thể, vào thời điểm tháng 4-2019, lượng thịt lợn tiêu thụ của người Việt bình quân gần 29 kg/người/năm thì đến tháng 4-2020 chỉcòn gần 25 kg/người/năm nên gọi là thiếu.

“Người tiêu dùng đã và đang tạm thời sửdụng thịt gia cầm, thịt bò và hải sản thay cho thịt lợn. Về lâu dài, nếu giá thịt lợn vẫn cứ cao, chắc chắn họ sẽ chuyển hẳn sang loại thực phẩm rẻ tiền hơn” – ông Phong nhìn nhận.

Cũng theo ông Phong, do nguồn cung thịt lợn vẫn chưa bình thường như trước đây nên giá thịt lợn neo ở mức cao là điều dễ hiểu. Ngoài yếu tố cung cầu, do dịch bệnh, chi phí chăn nuôi lợn cao hơn trước cũng dẫn đến việc giá lợn cao, chưa thể về mức bình thường như trước đây trong ngắn hạn được.

Ông Phạm Đức Bình – Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam – nhìn nhận vấn đề giá thịt lợn phụ thuộc lớn vào thái độ của người tiêu dùng. “Tôi cho rằng giá thịt lợn giảm trong thời gian qua có yếu tố quan trọng là người tiêu dùng bớt mua do thu nhập sụt giảm vì Covid-19. Họ đang dần chấp nhận thịt lợn nhập khẩu vì giá thấp hơn 30% hoặc thịt gà, cá nuôi… Nhờ đó, cung cầu mặt hàng thịt lợn có thể sớm cân đối và giá giảm về mức phù hợp” – ông Bình nhận xét.

Về dài hạn, ngành chăn nuôi lợn Việt Nam phải hạ giá thành để cạnh tranh sòng phẳng với thịt nhập khẩu. Nếu ai không hạ được giá thành thì tốt nhất nên bỏ nghề vì quyền lợi của 100 triệu người tiêu dùng quan trọng hơn nhóm những người trong ngành chăn nuôi lợn. “Không thể cứ nuôi lợn giá cao rồi bắt người tiêu dùng phải mua vì phân công lao động hiện nay không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà đã mở rộng ra toàn cầu. Do đó, doanh nghiệp chỉ nên sản xuất những mặt hàng mà mình có lợi thế, giá rẻ” – ông Bình thẳng thắn.
Nguồn: nhachannuoi.vn

tran-hong-tham

Phó phòng Marketing

Thạc Sĩ, Bác Sĩ Thú Y (Trường Nông Lâm TP.HCM), Có hơn 6 năm kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi