Heo nái đôi khi gặp phải tình trạng sót con hoặc sót nhau một vấn đề không chỉ khiến nái mệt mỏi, đau đớn mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của bầy con. Những dấu hiệu như rặn nhiều nhưng không ra con, sốt cao, bỏ ăn, uống nhiều nước, thậm chí cắn con hay xuất hiện dịch sẫm màu, lẫn máu từ âm hộ là lời “cảnh báo” rõ ràng.
Vậy nguyên nhân do đâu, làm sao phát hiện sớm và xử lý kịp thời để bảo vệ nái và đàn con? Trong bài viết ở dưới đây Thái Bình Dương sẽ cùng bà con tìm hiểu chi tiết và chia sẻ cách chăm sóc hiệu quả, giúp heo mẹ khỏe mạnh, bầy con phát triển tốt, mang lại năng suất cao.
Nguyên nhân gây hiện tượng sót con và sót nhau ở heo nái
Sót nhau
Hiện tượng sót nhau xảy ra khi nhau thai không được tống hết ra ngoài sau khi đẻ thường do những nguyên nhân chính sau:
- Tử cung co bóp kém: Gặp nhiều ở heo nái già (trên 8 lứa), sức khỏe yếu, đã sinh nhiều lứa hoặc đẻ nhiều con trong cùng một lứa, thai to, dẫn đến tử cung mất sức co bóp, không đủ lực đẩy nhau ra ngoài.
- Viêm niêm mạc tử cung: Dịch viêm làm nhau dính chắc vào thành tử cung, khó bong và bị sót lại.
- Rối loạn nội tiết tố: Tác động xấu đến cơ chế co bóp tử cung và việc tách nhau.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt: Khẩu phần ăn thiếu khoáng chất, đặc biệt là canxi, selenium, vitamin E, dẫn đến cơ tử cung yếu, giảm khả năng co bóp.
- Thao tác đỡ đẻ sai kỹ thuật: Kéo nhau quá sớm hoặc quá mạnh khi nhau chưa bong hết gây đứt nhau, dẫn đến sót lại một phần trong tử cung.
- Heo nái ít vận động: Nái quá béo hoặc quá gầy, vận động kém trong thời gian mang thai làm giảm sức khỏe cơ trơn tử cung và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đẩy nhau.
Đặt mua thiết bị nuôi heo con
Sót con
Sót con là hiện tượng còn thai lưu trong tử cung sau khi nái đã sinh xong, thường xuất phát từ các nguyên nhân:
- Thai chết lưu: Thai bị chết trong bụng mẹ trước hoặc trong quá trình sinh, không được tống ra ngoài.
- Đẻ khó, rặn kéo dài: Quá trình rặn lâu, nái bị kiệt sức khiến tử cung ngừng co bóp, không đủ lực đẩy hết con ra ngoài.
- Dây rốn đứt hoặc thiếu oxy: Trong lúc sinh, dây rốn bị đứt sớm hoặc con bị thiếu oxy, dẫn đến thai chết và bị kẹt lại.
- Quản lý đỡ đẻ không kịp thời, thiếu kinh nghiệm: Không phát hiện kịp dấu hiệu sót con không hỗ trợ kịp thời, không kiểm tra kỹ số lượng con so với số cuống nhau sau sinh.
Hậu quả của hiện tượng sót nhau và sót con
Hiện tượng sót nhau và sót con ở heo nái không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của heo mẹ mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển và tỷ lệ sống của đàn heo con.
- Gây viêm tử cung, hoại tử và rối loạn chức năng sinh sản: Khi nhau hoặc thai bị sót lại trong tử cung, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập, gây viêm niêm mạc tử cung, thậm chí hoại tử mô tử cung. Tình trạng này làm giảm khả năng sinh sản ở các lứa tiếp theo, khiến heo nái khó đậu thai hoặc giảm số lượng con sinh ra.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe heo nái, gây mất sữa: Heo nái bị sót nhau thường sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến mất sữa. Khi không có sữa, heo con không được bú đủ sữa đầu (sữa non), làm giảm khả năng miễn dịch tự nhiên, tăng nguy cơ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao.
- Gây hội chứng MMA (viêm vú – viêm tử cung – mất sữa): Đây là hội chứng rất nguy hiểm, thường gặp sau khi đẻ, đặc biệt ở heo nái bị sót nhau. MMA không chỉ làm giảm năng suất sữa mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, tăng trưởng và tỷ lệ sống của đàn con, từ đó làm giảm hiệu quả kinh tế của toàn bộ đàn heo.
Như vậy, hiện tượng sót nhau và sót con nếu không được xử lý kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề, vừa giảm năng suất chăn nuôi, vừa gây thiệt hại kinh tế lớn cho bà con chăn nuôi.
Cách xử lý khi heo nái bị sót nhau, sót con
Hiện tượng sót nhau và sót con không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng sinh sản của heo nái, mà còn gây thiệt hại lớn cho đàn heo con. Việc nắm rõ cách nhận biết và xử lý kịp thời sẽ giúp heo nái hồi phục nhanh, duy trì năng suất, đồng thời hạn chế rủi ro chết con, mất sữa và viêm nhiễm hậu sản.
Xử lý sót nhau
- Tiêm thuốc kích thích co bóp tử cung (Oxytoxin) ngay sau khi phát hiện, giúp tống nhau ra ngoài hiệu quả.
- Thụt rửa tử cung bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc thuốc tím 0,1%, thực hiện liên tục trong 3 ngày, đảm bảo kỹ thuật thụt rửa đúng cách để không gây tổn thương niêm mạc tử cung.
- Tiêm thuốc kháng sinh, kháng viêm và hạ sốt nếu heo nái có biểu hiện sốt, viêm nhiễm, dịch tiết bất thường (màu đen, lẫn máu, hôi).
- Không lạm dụng thuốc dục đẻ (oxytocine) khi không thật sự cần thiết để tránh làm rối loạn co bóp tử cung và tăng nguy cơ sót nhau.
- Theo dõi sát heo nái sau sinh, đảm bảo môi trường chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo, sát trùng để ngừa nhiễm trùng.
- Bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin đầy đủ giúp tử cung phục hồi tốt hơn và hạn chế viêm hậu sản.
Xử lý sót con
- Can thiệp kịp thời khi phát hiện thai chết lưu hoặc đẻ khó, hỗ trợ kéo thai ra ngoài an toàn, phối hợp đúng nhịp rặn của heo nái, thao tác nhẹ nhàng, vệ sinh đúng cách.
- Quản lý chặt thời gian rặn đẻ, nếu giữa hai con cách nhau quá 20–30 phút, cần kiểm tra ngay để tránh nguy cơ thai chết lưu và sót con.
- Hỗ trợ heo nái hồi phục sau sinh, cho ăn uống đầy đủ, bổ sung khoáng chất (đặc biệt canxi, selenium, vitamin E), chăm sóc kỹ trong giai đoạn cuối thai kỳ để nâng cao sức rặn, giảm nguy cơ sót con.
- Đảm bảo không gian vận động cho heo nái, tránh để quá béo hoặc quá gầy, nhằm duy trì sức khỏe sinh sản tốt nhất.
Đặt mua sản phẩm thiết bị chăn nuôi heo
Việc nắm vững kiến thức và áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi đúng đắn không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe cho đàn heo nái mà còn trực tiếp nâng cao hiệu quả kinh tế cho trang trại của bà con. Hãy luôn quan tâm, theo dõi sát sao vật nuôi và chủ động trong mọi tình huống để duy trì một trại heo khỏe mạnh, năng suất cao.
Phó phòng Marketing
Thạc Sĩ, Bác Sĩ Thú Y (Trường Nông Lâm TP.HCM), Có hơn 6 năm kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi