Bệnh hồng lỵ ở heo, hay còn gọi là kiết lỵ, từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều trang trại chăn nuôi. Không chỉ gây tiêu chảy ra máu và làm suy kiệt nhanh chóng, bệnh còn khiến heo giảm tăng trọng, thiệt hại nặng nề về kinh tế. Thủ phạm chính là xoắn khuẩn Brachyspira hyodysenteriae, dễ dàng lây lan qua phân, nước, thức ăn nhiễm bệnh hoặc qua các loài gặm nhấm và động vật trung gian.
Trong bài viết hôm nay ở dưới đây hãy cùng Thái Bình Dương khám phá chi tiết nguyên nhân, cách nhận biết và phương pháp điều trị hồng lỵ ở heo sao cho hiệu quả nhất.
Nguyên nhân gây bệnh hồng lỵ ở heo
Bệnh hồng lỵ ở heo do vi khuẩn Brachyspira hyodysenteriae (trước đây gọi là Serpulina hoặc Treponema) gây ra. Đây là vi khuẩn Gram âm, kỵ khí có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường: 7 ngày trong điều kiện ẩm ướt và 2 ngày khi khô và ấm.
- Thời gian ủ bệnh thường từ 7 – 14 ngày, nhưng trong điều kiện thực tế, có thể kéo dài hơn.
- Bệnh chỉ xảy ra ở heo, mặc dù vi khuẩn có thể tồn tại trong cơ thể loài gặm nhấm. Heo sau cai sữa là đối tượng dễ mắc nhất, nhưng bệnh cũng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
- Các yếu tố thuận lợi thúc đẩy bệnh bùng phát gồm: stress (do thay đổi đàn, thay đổi thức ăn, thời tiết khắc nghiệt), điều kiện vệ sinh kém và sự hiện diện của các vật chủ trung gian (chuột, chim, ruồi).
Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, thông qua thức ăn, nước uống bị nhiễm phân heo bệnh. Sau đó, chúng di chuyển đến ruột già, phá hủy lớp biểu mô, gây viêm làm giảm hấp thu nước, dẫn đến tiêu chảy nặng, mất nước, mất cân bằng điện giải và có thể gây chết.
Triệu chứng nhận biết bệnh hồng lỵ ở heo
Bệnh hồng lỵ ở heo thường bắt đầu với triệu chứng tiêu chảy, phân lỏng, heo hay ngoắt đuôi, lưng võng xuống do đau bụng. Ban đầu, phân có thể màu xám hoặc vàng, sau đó dần xuất hiện máu tươi, chất nhầy và các sợi fibrin, khiến phân sệt, nhớt, đôi khi có mùi tanh đặc trưng.
Heo bị bệnh thường chán ăn, giảm vận động, đứng lên nằm xuống khó khăn, cơ thể nhanh chóng sụt cân, lông xù, da nhợt nhạt hoặc có màu hồng nhạt. Mắt trũng sâu, gầy gò, mệt mỏi. Vùng hậu môn, mông và gốc đuôi dính đầy phân do tiêu chảy kéo dài, dễ gây viêm da.
Ở heo con theo mẹ có thể xuất hiện tiêu chảy cấp tính, phân nâu nhạt, nhầy, kèm máu hoặc không, heo nhanh chóng suy yếu, gầy đi rõ rệt.
Ở heo cai sữa và heo choai, bệnh biểu hiện rõ rệt hơn, với phân loãng, có máu, chất nhầy, heo biếng ăn, mất nước, yếu dần và dễ lây lan cho cả đàn.
Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh khiến heo mất nước nặng, suy kiệt, thậm chí có thể chết đột ngột do rối loạn điện giải và nhiễm trùng nặng.
Cách điều trị bệnh hồng lỵ ở heo hiệu quả
Để điều trị bệnh hồng lỵ ở heo đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi cần tuân thủ nguyên tắc kết hợp loại bỏ mầm bệnh, nâng cao sức đề kháng và chăm sóc hỗ trợ toàn diện cho đàn heo. Khi phát hiện heo có dấu hiệu bệnh phải cách ly ngay để hạn chế lây lan đồng thời áp dụng phác đồ điều trị kịp thời và đúng liều lượng.
Phác đồ điều trị kháng sinh phổ biến
- Tiêm Tylan 200 LA với liều 1 ml/10–15 kg thể trọng, tiêm 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 48 giờ để tiêu diệt xoắn khuẩn gây bệnh.
- Trộn thức ăn Mebi-Speclin liều 100 g/50 kg thức ăn, dùng liên tục 5–7 ngày giúp kiểm soát vi khuẩn đường ruột và hỗ trợ giảm tiêu chảy.
- Tiêm Metosal liều 1 ml/10 kg thể trọng trong 3–5 ngày giúp tăng cường miễn dịch và hỗ trợ phục hồi thể trạng cho heo.
Phác đồ thay thế
- Tiêm Linspec Inj với liều 1 ml/10 kg thể trọng, liên tục 3–5 ngày để kiểm soát vi khuẩn hiệu quả.
- Trộn thức ăn Tiamulin 10% liều 100 g/25 kg thức ăn, dùng 5–7 ngày nhằm phòng ngừa và điều trị các trường hợp nặng hoặc kháng thuốc.
- Tiêm Metosal hỗ trợ như trên.
Biện pháp hỗ trợ điều trị
- Cho heo nhịn ăn 12–18 giờ đầu chỉ cho uống nước pha điện giải (nồng độ 2,5%) để bù nước, cân bằng điện giải giúp giảm áp lực lên hệ tiêu hóa.
- Sau thời gian nhịn ăn, cho ăn thức ăn nhẹ, mềm, dễ tiêu hóa; có thể bổ sung thêm thuốc chống tiêu chảy nếu cần thiết để giảm mất nước và mau hồi phục.
- Duy trì chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, giữ ấm, tránh gió lùa, hạn chế thay đổi môi trường đột ngột để giảm stress cho heo.
Lưu ý: Điều trị bệnh hồng lỵ càng sớm càng tốt sẽ giúp hạn chế tỷ lệ chết, giảm thiệt hại kinh tế và ngăn chặn bệnh kế phát. Ngoài ra cần kết hợp vệ sinh sát trùng thường xuyên, kiểm soát dịch tễ chặt chẽ và bổ sung dinh dưỡng hợp lý để hỗ trợ sức khỏe tổng thể cho đàn heo.
Đặt mua sản phẩm thiết bị chăn nuôi heo
Bệnh hồng lỵ ở heo là một thách thức lớn đối với người chăn nuôi, gây thiệt hại kinh tế đáng kể nếu không được kiểm soát kịp thời và hiệu quả. Việc nắm vững nguyên nhân gây bệnh, nhận biết triệu chứng điển hình, và áp dụng đúng phác đồ điều trị là chìa khóa để bảo vệ đàn heo của người chăn nuôi.
Phó phòng Marketing
Thạc Sĩ, Bác Sĩ Thú Y (Trường Nông Lâm TP.HCM), Có hơn 6 năm kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi